Thứ Hai, 25/11/2024 20:30 CH
“Đánh động” về loãng xương - căn bệnh âm thầm đáng lo ngại 
Thứ Hai, 07/08/2017 08:40 SA

Đo mật độ xương tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XI vừa được Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Tuy Hòa. Quy tụ hơn 300 đại biểu là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ… đến từ 3 miền của đất nước và Úc, hội nghị cập nhật những tiến bộ mới nhất trong việc chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh loãng xương, về tác động của các bệnh lý khác nhau như bệnh tim mạch, loạn dưỡng đau, suy thận mạn… đến bệnh loãng xương và loãng xương trên các đối tượng đặc biệt.

 

Khai mạc hội nghị khoa học, PGS-TS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh, nói: “Loãng xương là một bệnh lý âm thầm nhưng gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho con người và xã hội. Vì âm thầm nên loãng xương chưa làm cho người bệnh cũng như cộng đồng quan tâm.

 

Trên thế giới, lĩnh vực này đã được đầu tư nghiên cứu và mang lại rất nhiều thành tựu to lớn, tuy nhiên việc ứng dụng những thành tựu này vào thực tế cũng còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam”.

 

Là một hội chuyên khoa, Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh đã tham gia rất nhiều hoạt động chuyên môn trong điều trị, nghiên cứu, giảng dạy nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng về bệnh loãng xương và lợi ích của việc phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị bệnh loãng xương nhằm hạn chế những hậu quả nặng nề. “Tuy nhiên, loãng xương là một bệnh lý phức tạp, liên quan đến nhiều chuyên khoa và nhiều bệnh lý nội - ngoại khoa khác nhau, chính vì vậy chủ đề của hội nghị năm nay là “Loãng xương - Những xu hướng khoa học mới và các vấn đề liên quan”.

 

Với chủ đề này, chúng tôi muốn thu hút sự quan tâm của cộng đồng cũng như của các giới chức chuyên môn vào lĩnh vực loãng xương. Tại hội nghị, các chuyên gia báo cáo những tiến bộ mới nhất về chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh lý này”, PGS-TS Lê Anh Thư cho biết.

 

Đến từ Viện Nghiên cứu Garvan, Úc, GS Nguyễn Văn Tuấn có báo cáo khoa học “Loãng xương - Những xu hướng khoa học mới” cung cấp nhiều thông tin rất ấn tượng về những tiến bộ quan trọng của chuyên ngành loãng xương, trong đó có việc bào chế thành công một loại thuốc mới điều trị bệnh này.

 

GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Một protein có tên là sclerostin, một sản phẩm của tế bào gọi là xương bào, mới được phát hiện trong thời gian gần đây. Qua các thử nghiệm lâm sàng, người ta thấy rằng những bệnh nhân loãng xương được điều trị bằng kháng nguyên đơn dòng bằng sclerostin thì giảm nguy cơ gãy xương đến 70%, một con số rất lớn. Đây là sự tiến bộ rất ngoạn mục bởi hầu hết các loại thuốc khác chỉ giảm nguy cơ gãy xương từ 30-50%. Chúng tôi coi đây là bước phát triển rất quan trọng trong chuyên ngành loãng xương”.

 

Theo BSCKII Hồ Phạm Thục Lan (Bệnh viện Nhân dân 115), trước kia giới chuyên môn kiểm soát loãng xương để phòng ngừa gãy xương, bây giờ người ta tập trung vào biến cố gãy xương. Ở bệnh lý loãng xương, gãy xương là biến cố chính, là mối quan tâm chính, chịu một loạt tác động của loãng xương, thiếu cơ, té ngã, tiểu đường cũng như các yếu tố cơ địa, tuổi, tiền sử gia đình, môi trường…

 

Tham dự hội nghị, bác sĩ Thục Lan thay mặt nhóm nghiên cứu nói về kết quả nghiên cứu bước đầu của dự án Nghiên cứu loãng xương Việt Nam (tên quốc tế là Vietnam Osteoporosis study). Đây là một trong những nghiên cứu quan trọng của Việt Nam ở lĩnh vực này và đã được công bố với thế giới.

 

Ước tính có gần 3,5 triệu người Việt Nam bị loãng xương. Bệnh này ảnh hưởng đến 25% nữ giới và 10% nam giới trên 50 tuổi, hệ quả nghiêm trọng nhất là gãy xương. Theo giới chuyên môn, khoảng 1/5 bệnh nhân bị gãy xương đùi sẽ tử vong trong vòng 12 tháng sau biến cố gãy xương. Trường hợp không tử vong thì bệnh nhân bị đau đớn kéo dài, mất khả năng lao động và vận động, sống phụ thuộc vào người khác… Không những thế, đây là bệnh lý phức tạp vì có liên quan đến nhiều bệnh lý mãn tính khác.

 

Tham dự hội nghị, chuyên gia đến từ các bệnh viện: Thống Nhất (GS-TS Nguyễn Đức Công), Chợ Rẫy (PGS-TS Lê Anh Thư, TS-BS Nguyễn Đình Khoa), Tâm Đức (PGS-TS Nguyễn Thị Bích Đào), Bạch Mai (PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Lan), Đại học Y Huế (GS Võ Tam)… đã báo cáo về những tiến bộ mới nhất trong việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh loãng xương, về tác động của các bệnh lý khác nhau như bệnh tim mạch, loạn dưỡng đau, suy thận mạn… đến bệnh loãng xương và loãng xương trên các đối tượng đặc biệt, trên bệnh nhân rất lớn tuổi.

 

“Chúng tôi mong muốn qua hội nghị khoa học, bác sĩ ở các nơi hiểu về bản chất, mức độ, những giải pháp… trong điều trị bệnh loãng xương”, PGS-TS Lê Anh Thư nói. Đại biểu Nguyễn Văn Đàn (Trung tâm Y tế huyện Tuy An) nhận xét: “Hội nghị khoa học đã cập nhật những thông tin mới, rất bổ ích trong việc điều trị bệnh loãng xương”.

 

Chúng tôi đánh giá cao việc Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị này tại tỉnh Phú Yên. Chúng tôi tin chắc rằng tại hội nghị, chúng ta được cập nhật những thông tin mới, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phòng ngừa, điều trị bệnh loãng xương. Và chúng tôi tin rằng qua hội nghị này, ngành Y tế Phú Yên sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích để góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

 

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek